Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

GÓC VUI

Chí Phèo, chị Dậu và lão Hạc: Ai khổ nhất?

Điểm giống nhau của ba tác phẩm này là đều viết về cảnh khốn khó trong xã hội xưa, về số phận người lao động bị chà đạp và đều lấy đi nước mắt nhiều độc giả.
Ba tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, Chí Phèo, Lão Hạc của nhà văn Nam Cao quả thực không còn xa lạ gì với mỗi chúng ta.
Đó thật sự là những kiệt tác trong văn xuôi đương thời, là những tác phẩm để lại dấu ấn lớn trong lòng độc giả.
Điểm giống nhau của ba tác phẩm này là đều viết về cảnh khốn khó trong xã hội xưa, về số phận người lao động bị chà đạp.
Nhân vật Chí Phèo, lão Hạc trong 2 tác phẩm cùng tên và chị Dậu trong Tắt đèn là những con người nhỏ bé thấp hèn trong xã hội, là những người nghèo khó khổ sở, luôn bị chà đạp lợi dụng.
Tất cả họ đều đáng thương vô cùng! Thế nhưng, xét cho cùng, ai trong số họ mới thực sự là người nghèo nhất?
1. Chí Phèo - Nam Cao
Lật lại trang đời của Chí Phèo, chúng ta không sao cầm được nước mắt trước một hoàn cảnh đáng thương vô cùng tận: Chí Phèo sinh ra không cha không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà không cửa, không một tấc đất.
Cuộc đời Chí Phèo hiện lên như một cuốn phim bi thảm.Tuổi thơ đầy bất hạnh, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương. Lớn lên thì hết đi ở nhà này lại đi ở cho nhà nọ, sau này thì làm canh điền cho nhà cường hào Bá Kiến và lâm vào cảnh lao lý.
Cũng chính vì nghèo quá, túng bấn quá mà Chí Phèo bị cả xã hội khinh ghét, xô đẩy đến mức từ một người lương thiện thành một con người khác hẳn, con quỉ dữ của làng Vũ Đại. Đến khi Chí Phèo lần đầu chạm được tới tình yêu thì cũng bị chính cái đói nghèo chia cắt.
2. Chị Dậu -Tắt đèn - Ngô Tất Tố
Chị Dậu có một cuộc đời bất hạnh. Dù có cố gắng, vất vả làm đây làm đó thì chị cũng không thay đổi được gì, thậm chí còn tệ hơn trước kia.
Cả cuộc đời chị đối diện với những nỗi khổ sở: chị cần cù làm việc hết năm này sang năm khác không dám chơi ngày nào mà vẫn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tài sản 2 vợ chồng chẳng có gì ngoài căn nhà liêu xiêu cùng 3 đứa con, đàn chó, 2 gánh khoai.
Gia đình chị bị bọn tham quan chà đạp, ức hiếp. Chúng nghĩ ra đủ loại thuế bắt người dân phải nộp. Nhưng thực tình với gia cảnh như vậy, chị lấy đâu ra tiền mà nộp?
Không có tiền, chị phải bán cả đàn chó, rồi đến bán cả con gái của mình. Chẳng có người mẹ nào là không thương con mình cả, nhưng đễn mức đường cùng, nhà chẳng còn gì để bán được nữa, nên chị mới đành phải đưa ra quyết định nhói lòng đến vậy.
Bất hạnh này nối tiếp bất hạnh khác, gia đình chị vẫn cứ bị bọn quan lại hành hạ, vùi dập. Chồng chị bị bọn chúng tra tấn đánh đập dã man mà chị cũng chẳng có tiền, có gạo để chăm sóc chồng.
Không có tiền, cũng không còn gì để bán, chị phải làm 1 nghề hết sức “bất hạnh”: đó là bán... "sữa người". Công việc cũng chẳng được yên lành gì, ông ta giở trò đồi bại khiến chị không chịu nổi phải bỏ chạy giữa đêm tối mịt.
3. Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao
Nếu ai đã đọc truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, dù chỉ một lần, cũng không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết đầy thương tâm của nhân vật lão Hạc. Lão chết một cách vật vã: đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng ấy cũng chính bởi vì chữ nghèo.
Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm: vợ mất sớm, một mình nuôi con, đến khi trưởng thành anh con trai không lấy được vợ vì nhà nghèo quá nên phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.
Từ ngày đó, lão mòn mỏi mong con về, đơn độc, chỉ có con chó bầu bạn cùng. Lão sống qua ngày trong cái đói nghèo và cô độc. Và chính vì đói, vì nghèo như thế, nên cuối cùng, lão phải bán đi người bạn duy nhất là con chó mà lão yêu thương gọi là “cậu Vàng”.
Thực ra lão có tiền bòn vườn, nhưng lão nhất định để dành không tiêu để khi con trai về, lão nhẩm tính thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai. Rồi cuối cùng, lão chọn cái chết để bảo toàn số tiền ấy cho đứa con trai đi đồn điền không biết bao giờ mới về!
Trả lời cho câu hỏi: Chí Phèo, chị Dậu, lão Hạc, ai mới là người khổ nhất?
Ba nhân vật là ba mảnh đời đầy bất hạnh và sóng gió. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo, cái xã hội đầy bất công! Chí Phèo bất hạnh từ khi mới sinh ra. Lớn lên lại đi lang thang vào ở nhà này nhà nọ kiếm miếng ăn qua ngày.
Còn lão Hạc, cái chết của lão xuất phát từ cái nghèo, nhưng hơn cả là vì lòng thương con. Lão có tiền để dành là thế, nhưng lão chẳng dám tiêu. Sau khi hết khoai, hết gạo chẳng còn gì để ăn, lại đau ốm liên miên, lão chọn cái chết bằng cách ăn bả chó.
Cuối cùng, có lẽ chúng tôi sẽ chọn nhân vật Chị Dậu là người có số phận bi thảm, đau thương nhất.Một người phụ nữ luôn gặp rủi ro! Cảnh khốn khó gắn bó với chị suốt cả cuộc đời như một “người bạn tri kỷ".
Bởi lẽ ít nhất Chí Phèo và lão Hạc đều đã chọn cách "ra đi để tự giải thoát". Còn chị Dậu, ai biết được cuộc đời sẽ còn xô đẩy chị vào những nỗi đau nào khác nữa?
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét